Người xưa có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng thì tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn là còn có một chữ “ân” nữa…
Vụ ly hôn của vợ chồng Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Không ít người bày tỏ tiếc nuối cho một mối tình đẹp như cổ tích của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhưng kết cục mối duyên tình đó lại chính thức khép lại bằng một bản án thuận tình ly hôn, cái còn lại chỉ là tiền và quyền. Chuyện ly hôn này vốn là chuyện riêng nhà họ nhưng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn lại chính cuộc hôn nhân của mình, về giá trị của nó trong cuộc đời mình, cũng như để ngẫm lại điều mà hầu hết chúng ta đã lãng quên – Đạo vợ chồng.
Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái” (tình cảm) thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.
Hôn nhân là điều kiện cần thiết để nhân loại sinh sôi, phát triển, đó cũng là lời cam kết của con người đối với Thần linh, trời đất, cha mẹ và người bạn đời của mình. Các phong tục và nghi lễ cưới xin ở phương Tây và phương Đông đều thể hiện ý nghĩa thần thánh này.
Dù cuộc hôn nhân dài lâu hay ngắn ngủi đều yêu cầu hai vợ chồng phải một lòng chung thủy, sắt son, dù nghèo khó, bệnh tật, tai họa, sống chết cũng không được phản bội và rời xa nhau. Vợ chồng phải tuân thủ lời thề với Thần, tôn trọng, bù đắp cho nhau, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, sát cánh cùng nhau tới già để thực hiện lời hứa của mình.
Trong cuộc hôn nhân bắt nguồn từ mối thiện duyên đời trước, nam nữ phải luôn luôn cảnh giác, không được vì tình yêu mà phóng túng dục vọng, không được vì tình yêu mà thiên vị công tư, không được vì tình yêu mà mất đi chí hướng; cần phải cân bằng, tiết chế dục vọng, nam cương nữ nhu, âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở đời sau, kế thừa cơ nghiệp tổ tiên, đi cho hết chặng đường của đời người
Trong cuộc hôn nhân bắt nguồn từ mối ác duyên đời trước, nam nữ cần tự suy xét bản thân, không nên vì tranh đấu mà làm tổn thương nhau, không nên vì sắc đẹp mà phản bội nhau, không nên vì giàu sang mà ruồng bỏ nhau, càng không nên vì họa hoạn mà xa rời nhau; nên cùng nhau chịu nhục, chịu khổ, kiềm chế nóng giận, tránh xa những thứ dơ bẩn, chịu khổ tiêu nghiệp, chỉ có làm như vậy thì hôn nhân vợ chồng mới có thể được tôi luyện mà thăng hoa.
Trong cuốn “Trung Dung” có câu rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ. Cập kì chí dã, sát hồ thiên địa”, ý nói đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể quan sát hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của tất cả mọi sự vật trong trời đất. Cổ nhân xem thiên địa, âm dương là nền tảng nguyên thủy nhất của tự nhiên và vợ chồng là nền tảng nguyên thủy nhất của xã hội.
Cho nên, vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách), có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.
Những tiêu chuẩn và điều kiện này giúp con người rút ra những kinh nghiệm và bài học, phân biệt giữa lý trí và tình cảm. Nó cũng trở thành điều kiện tất yếu để có một cuộc hôn nhân mỹ mãn, bền vững, chứng minh cho đạo lý “nhân lành, quả ngọt”, cũng để duy trì sự phát triển và sinh tồn của con người. Đây là văn hóa về hôn nhân mà Thần đã lưu lại cho con người.
Hàng trăm nghìn năm nay, trong sử sách và truyền thuyết đều lưu truyền rất nhiều câu chuyện về tình yêu và hôn nhân. Biết bao đôi nam nữ đã gửi gắm cả sinh mệnh và tâm hồn của mình trong những vui buồn hợp tan, yêu hận tình thù, lưu lại cho người đời sau những câu chuyện để suy ngẫm mà soi xét mình.
Bi kịch tình yêu của Romeo và Juliet thể hiện một tình yêu dũng cảm giúp hóa giải mọi sự gián cách và hận thù nơi thế gian. Câu chuyện “Ngưu Lang – Chức Nữ” lưu lại cho người đời sau một tấm gương về đức tính hiếu thuận, cần cù lao động của hai vợ chồng khiến Thần phải cảm động. Điển tích “Bá Vương biệt Cơ” thể hiện tình cảm sâu nặng đối với vợ của người anh hùng trong bước đường cùng cận kề cái chết. Tình yêu chân thành của “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” có thể vượt qua cõi âm dương, linh hồn của họ hóa thành đôi bướm để được mãi bên nhau.
Địa vị khác nhau, dân tộc khác nhau, tình cảm khác nhau cũng có những chuẩn mực xã hội khác nhau. Đường Thái Tông Lý Thế Dân cùng vợ là Trưởng Tôn hoàng hậu, Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố cùng công chúa Văn Thành đã trở thành những hình mẫu được các quân vương đời sau kính phục và noi theo.
Nhạc Vũ Mục đối xử ân nghĩa, thủy chung với cả hai người vợ: người vợ trước vì chiến loạn mà phải chia lìa, người vợ sau gắn bó với ông không sợ bần hàn, thật là phẩm cách của bậc hào kiệt. Nàng Trác Văn Quân cùng chồng là Tư Mã Tương Như bán rượu nơi phố chợ ồn ào, không màng phú quý, địa vị, tình yêu của họ đã trở thành giai thoại nghìn thu của biết bao tài tử giai nhân.
Vai trò khác nhau, sứ mệnh khác nhau, cảnh giới khác nhau thể hiện sự lựa chọn khác nhau của sinh mệnh. Con gái của Tần Mục Công cùng chàng thanh niên thổi tiêu sống ẩn cư ở núi Hoa Sơn, hai người tâm đầu ý hợp, thăng hoa trong nghệ thuật, về sau cả hai đều cưỡi rồng phượng mà trở về thiên giới.
Vợ chồng tráng sĩ thời cận đại Đàm Tự Đồng, nàng gảy đàn, chàng múa kiếm, người khẳng khái hy sinh vì chính nghĩa, người thủ tiết tới già. Vợ chồng đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Ma Ha Ca Diếp và thiện nữ Diệu Hiền cùng nhau cầu đạo, 14 năm tuân thủ giới luật, cuối cùng tu thành chính quả, lưu lại một câu chuyện truyền kỳ về sự tinh tấn tu hành.
Ngược lại, Thương Trụ vương bị con cáo chín đuôi mê hoặc, phóng túng dục vọng mà hủy mất cả cơ nghiệp của tổ tiên, Ngô Vương Phù Sai bị mỹ sắc làm mê muội mà nước mất nhà tan, cha con Đổng Trác và Lã Bố tranh nhau nàng Điêu Thuyền,Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên dâm loạn giết người, tự hủy hoại mình mà để lại tiếng ác muôn đời. Những câu chuyện như vậy cũng lưu truyền nghìn thu, nhiều không kể xiết.
Chuyện yêu đương và kết hôn của nam nữ là kết quả của duyên phận quá khứ và hiện tại, nó liên quan tới vận mệnh của dân tộc, gia đình, cha mẹ, con cái; nó có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đối với đạo đức, sức khỏe, lễ nghĩa, luân lý, cảm thụ của con người. Cho nên từ xưa các bậc thánh hiền giảng rằng đạo vợ chồng là luân thường đạo lý quan trọng nơi thế gian con người.
Có thể nói, “Đạo” là một trong những khái niệm trung tâm nhất của văn hóa truyền thống. “Đạo” cơ bản bao gồm ba ý nghĩa: một là nguồn gốc, là bản chất và chốn trở về cuối cùng của vạn vật trong vũ trụ; hai là định luật căn bản rộng khắp, vĩnh hằng không thay đổi, bao trùm lên hết thảy; ba là một loại cảnh giới tinh thần cao thâm. Đạo chung sống giữa vợ chồng cũng cần phải tuân theo ý nghĩa vĩnh hằng, không thay đổi.
Đời người có mừng, giận, yêu, ghét, đắng cay, ngọt bùi, nếu một người không có lý trí và đạo đức vững chắc làm nền tảng, thì sẽ rất khó để giữ được đạo nghĩa vợ chồng. Vì thế, “ân ái” vợ chồng phải được đặt trên nền tảng luân lý đạo đức thì mới trọn vẹn ý nghĩa và bền lâu.
0 nhận xét: