Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Nhân nhượng với đối tượng trốn cách ly là tự sát cộng đồng

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, “chống dịch như chống giặc” này thì chần chừ, nhân nhượng với hành vi trốn cách ly giống như sự “tự sát cả cộng đồng”!

Nhân nhượng với đối tượng trốn cách ly là tự sát cộng đồng - 1
Trong khi nhân dân cả nước gồng mình chống lại “giặc dịch” Covid 19 bằng mọi biện pháp.


Trong khi các thầy thuốc đang đối mặt với hi sinh, thử thách để cứu người bệnh.
Trong khi hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ lực lượng vũ trang nhường chỗ ăn, chỗ nghỉ.
Trong khi đồng bào cả nước và các nhà hảo tâm liên tục đóng góp tiền của cho công tác phòng chống dịch bệnh, cho việc cách ly thì cay đắng thay, có một số người phá hoại nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân bằng cách trốn cách ly.
Những đối tượng này phải bị xử phạt ngay và nghiêm khắc. Chỉ có như vậy, công cuộc phòng chống dịch bệnh mới thành công.
Gần đây nhất, theo thông tin từ báo Dân trí, một người đàn ông nhiễm Covid 19 (thứ 100) 55 tuổi, tại TP HCM, dương tính sau khi dự thánh lễ Hồi giáo tại quốc gia láng giềng đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà vì những nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, người bệnh đã không tuân thủ các khuyến cáo cách ly của cơ quan chức năng. Trong thời gian từ ngày 4/3 đến ngày 17/3, bệnh nhân đã liên tục đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TPHCM.
Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm bởi nếu công cuộc phòng chống dịch như tấm lưới, chỉ cần một lỗ hổng nhỏ, toàn bộ nỗ lực sẽ đổ sông, đổ biển.
Với sự lây lan “như tên bắn” của Covid 19, qua hơn 10 ngày với nhiều cuộc tiếp xúc ở chỗ đông người, sự lây lan có thể là rất lớn và khó kiểm soát.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật bởi theo LS Đặng Văn Cường (Trưởng VP luật sư Chính Pháp) cho biết, quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 nêu rõ, nếu đối tượng nằm trong diện cách ly không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000-10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Trong trường hợp dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 qui định.
Đặc biệt, làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người.
Bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Vì thế, dù chưa có kết quả của việc lây nhiễm và dù đang trong thời kỳ điều trị, theo tôi, trước mắt cần xử phạt “nóng” (như Hàn quốc đã áp dụng) đối tượng này với mức 5 – 10 triệu đồng. Nếu sau này phát hiện để xảy ra sự cố lớn, có thể sẽ tiếp tục xử lý theo qui định của pháp luật.
Đó cũng là đề nghị của BS. Trương Hữu Khanh – chuyên gia trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.
“Đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa an toàn của cả cộng đồng, dù đang mắc bệnh nhưng hành vi này của người bệnh cần phải xử phạt nóng để làm gương cho những người khác”. BS Khanh nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết sẽ có biện pháp mạnh hơn trong vấn đề gây khó khăn cho công tác chống dịch cũng như bất hợp tác khi được yêu cầu cách ly đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho TP quy trình cưỡng chế cách ly tại nhà hay tập trung, nghiên cứu biện pháp xử lý và xử phạt hành chính người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người để có tính răn đe.
Tại nước Nga, ông Tổng thống Putin nói rất ngắn gọn: "Hoặc bạn ở nhà 15 ngày, hoặc bạn ở tù 5 năm".
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, “chống dịch như chống giặc” này thì chần chừ, nhân nhượng với hành vi trốn cách ly giống như sự “tự sát cả cộng đồng”!
Bùi Hoàng Tám

Đăng bợi:

0 nhận xét: