Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Viêm phổi Vũ Hán


Bác sĩ chúng tôi cũng là con người nên ai chẳng sợ bệnh tật, sợ những cái chết bất thình lình từ đâu rơi xuống với mình, với người thân yêu. Những ngày qua, hình ảnh các nhân viên y tế Vũ Hán kiệt lực chống chọi với dịch bệnh tác động mạnh nhất đến chúng tôi.


Tôi không phải là bác sĩ chuyên khoa về bệnh lây nhiễm, cũng không phải là thành viên của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, vì thế, khi được mời viết về dịch viêm phổi Vũ Hán, tôi rất lưỡng lự. Tuy nhiên, sau khi đọc quá nhiều các thông tin về dịch, tôi quyết định viết ra để đóng góp phần nào vào cuộc chiến chống lại virus Corona tai quái này.
Như các chuyên gia đã phân tích, dịch không phải là một bất thường hiếm gặp trong lịch sử loài người, thậm chí ta có thể coi nó là một phần của cuộc sống. Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33.000 người và tỷ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 78%. Năm 2002, dịch SARS làm nhiễm 8.000 người, và tỷ lệ tử vong 7% - 9%. Năm 2012, MERS nhiễm khoảng 2.500 người với tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng 34%.
Còn cái Tết này, cũng virus Corona (cùng dòng họ với virus gây SARS và MERS) tính đến ngày 28/1 đã gây nhiễm cho hơn 4.500 người, tử vong 106 người. Tức tỷ lệ chết là dưới 3%. Một điều đặc biệt khác với các đại dịch là chỉ sau 10 ngày, tính từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, các nhà khoa học đã giải mã toàn bộ hệ Gene của virus Corona.
Giống như đánh nhau với địch, quân ta biết rõ toàn bộ lực lượng, khí tài của chúng thì chắc chắn sẽ tìm ra phương pháp chống lại và tiêu diệt chúng. Nói vậy để các bạn hiểu được hệ thống y tế thế giới đã, đang và sẽ hoạt động một cách khẩn trương, khoa học để chống sự lan rộng của dịch bệnh này.
Tuy nhiên, khoa học luôn có giới hạn của nó và như thông tin theo chiều ngược lại cũng rất cần để chúng ta quan tâm và ghi nhận. Đó là, phải mất gần bốn tháng để SARS lây nhiễm 1.000 người. Trong khi đó, virus Corona ở Vũ Hán đã lây nhiễm hơn 4.500 người chỉ sau một tháng. Việc lây bệnh từ người sang người đã được khẳng định và nghiên cứu gần đây nhất càng làm tăng thêm sự lo ngại khi cho thấy virus mới này có thể lây ngay cả khi người bệnh chưa có biểu hiện bệnh - đang trong giai đoạn ủ bệnh. Đây có thể là yếu tố giúp tăng khả năng lây nhiễm nguy hiểm của virus này.
Việc đáng bàn nhất ở đợt dịch này chính là sự vào cuộc "rầm rộ" của các "phóng viên" từ chuyên nghiệp đến tự phát. Mọi ngóc ngách đều được chạm đến và mổ xẻ, bình luận.
Đã có rất nhiều người phê phán điều này là không tốt, gây hoang mang cho dân nhưng tôi vẫn thấy có góc nhìn tích cực. Với một vấn đề mà trước đây chúng ta thường phó thác cho các cơ quan có trách nhiệm xử lý, mọi thông tin đều từ một nguồn duy nhất thì ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin về dịch bệnh đã đến với người dân ở nhiều chiều. Ở hướng tích cực, họ cho biết bệnh nhân nhiễm Corona đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam đã khỏi, hay họ lên án việc tăng giá bán khẩu trang, phê phán một nhà sư chiêu dụ dân chúng cúng đàn diệt virus.
Cách đây không lâu, gia đình tôi có người bị cúm A, phải đi mua thuốc Tamiflu "xách tay", tôi mới hiểu nỗi thống khổ của người dân bởi việc trục lợi của những kẻ thiếu lương tâm. Khi có dịch, giá thuốc tăng gấp đôi và vẫn tăng tiếp. Làm trong ngành Y mà chúng tôi phải đi nhờ vả chỗ quen biết mới mua được mấy viên thuốc. Nhưng vì số thuốc không đủ, mọi người trong nhà lại phải chạy vạy mua dần mỗi lần một ít cho đủ liều vào những ngày sau đó.
Tìm hiểu ra, tôi mới biết họ tăng giá thuốc không phải do nhà sản xuất tăng giá bán. Giá nhập vẫn giữ nguyên, song một vài đại lý bán lẻ tăng giá, trục lợi khi thấy nhiều người bỗng dưng bị bệnh, khi thấy người khác gặp hoàn cảnh khó khăn.
Không có điều luật nào xử được cái tâm của con người, không một chính quyền nào xử phạt hết những hành vi phi đạo đức bằng các điều luật, chúng ta cũng đã không còn sống trong thời bao cấp người khôn của khó. Nhưng ngày nay, tôi tin sức mạnh của truyền thông và số đông người cùng đồng lòng với cái đúng sẽ lôi những cái đầu đen tối ra trước ánh sáng hay giải quyết được những vấn đề khó khăn của cộng đồng.
Không cần đợi đến thông báo của Bộ Y tế, ngay bên cốc cà phê sớm nay, tôi đã được cho biết ca tử vong thứ 106 của dịch bệnh này xảy ra sáng 26/1. Sự quan tâm của cả xã hội với mức độ hiểu biết ngày càng được nâng cao là điều tích cực, khác hẳn so với hồi dịch SARS năm 2003, khi ngành Y chúng tôi tương đối đơn độc chống lại dịch bệnh mà tỷ lệ tử vong rất cao.
Vì mọi động thái đều được giám sát, chỉ một quyết định quá mức hay lơ là của các cơ quan chức năng đều sẽ bị "mổ xẻ", "lên mạng". Bằng chứng rõ ràng nhất là việc Tổ chức Y tế Thế giới vừa thừa nhận sai sót trong bản đánh giá nguy cơ toàn cầu của virus Corona tại Trung Quốc, phải khẳng định lại độ nguy hiểm ở "mức cao" chứ không chỉ là "vừa phải".
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, việc hiểu rõ thông tin để từ đó có hành động phù hợp cho mình là vô cùng quan trọng. Tôi xin phép dẫn nguồn của chuyên gia Nguyễn Hồng Vũ (California, Hoa Kỳ) mà tôi thấy dễ hiểu nhất để giúp làm giảm tình trạng dịch bệnh: Bệnh do nhiễm virus Corona thường sẽ tự hết khi tế bào miễn dịch nhận biết sự hiện diện của chúng trong cơ thể và tấn công các tế bào bị nhiễm. Virus sẽ bị tiêu diệt hết bởi tế bào miễn dịch cho đến cuối kỳ bệnh.
Do vậy, cách để ngăn chặn dịch hiệu quả nhất mà các nước đang làm với loại virus này là "cô lập" người/nhóm người mắc bệnh để hỗ trợ điều trị, không cho virus có cơ hội nhiễm tiếp sang người khác. Do không có khả năng tự sinh sống ngoài môi trường và không còn ở được trong cơ thể người bệnh (do hệ miễn dịch đã nhận ra) nên virus sẽ bị tiêu diệt hết trong không gian bị cô lập này khi những người bệnh hồi phục.
Chính vì vậy trong tình hình dịch bệnh của virus Corona 2019-nCoV thì việc cách ly đặc biệt quan trọng. Việc ngưng các chuyến bay, tour du lịch của người Trung Quốc, đặc biệt từ Vũ Hán trong thời gian này là rất cần thiết để kiểm soát dịch tại chỗ và các nước lân cận. Thời gian ủ bệnh của virus này được cho là từ khoảng 2 đến 14 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng và rất dễ bị lọt qua các trạm kiểm soát dịch. Cách phòng ngừa lây nhiễm cho mỗi cá nhân chúng ta trong những ngày tới hay ít nhất cho đến khi các cơ quan chức năng tuyên bố hết dịch đó là: tránh đến chỗ đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử trùng chứa cồn; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch; tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào; ăn đồ nấu chín kỹ, uống nước đun sôi kỹ để nguội; giữ gìn sức khỏe để "nếu cần chiến đấu với virus".
Cách đây ba tuần, tôi và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chủ động tập huấn về virus Corona với chia sẻ kinh nghiệm của những chuyên gia đã trực tiếp điều trị dịch SARS năm 2003. Những câu chuyện chống SARS cảm động mà đồng nghiệp già chia sẻ cùng anh em bác sĩ, các điều dưỡng trẻ hôm đó không phải để khoe sự dũng cảm mà chỉ cho chúng tôi những kinh nghiệm, những sai lầm xương máu mà không ai muốn lặp lại. Nhìn vào ánh mắt của đội ngũ ấy, tôi rất tin tưởng với kiến thức đã được trang bị, với phương tiện hiện đại hơn và đặc biệt có sự hỗ trợ đồng lòng của cộng đồng như các bạn, chúng tôi đã sẵn sàng "nghênh địch" đang tràn tới.
Mong muốn được về nhà ăn Tết của vị bác sĩ đã trực năm đêm liền tại bệnh viện ở Vũ Hán đã lay động trái tim những bác sĩ chúng tôi - vì mỗi người đều hiểu cũng có thể mình rơi vào hoàn cảnh đó. Không ai mong muốn dịch bùng lên, nhưng chống dịch là trách nhiệm, bổn phận của những nhân viên Y tế ở bất cứ nơi nào. Nếu dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu, tôi biết sẽ không thiếu những bác sĩ tình nguyện của Việt Nam đi vào tâm dịch. Ngược lại, những hình ảnh cắt ghép, những tin giả, được lan truyền vô trách nhiệm không làm bất cứ ai trong chúng tôi lo sợ vì đã quá quen với tin đồn.
Toàn ngành Y chúng tôi đang sẵn sàng "chiến đấu" với kẻ phá đám vô cùng nguy hiểm này.

Đăng bợi:

0 nhận xét: