Tại Quốc Khánh Show chủ đề “giới văn phòng đầu tư gì với nguồn vốn ít” mới đây, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietfund Management (VFM) đã chỉ ra các kênh đầu tư với dòng vốn khiêm tốn như trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Tiết kiệm 1-2 triệu đồng/tháng để đầu tư
Theo bà Hạnh, có 1 triệu đồng vẫn đầu tư được vào kênh chứng chỉ quỹ. Cứ để đó 10 đến 20 năm tiền sẽ sinh trưởng. Nghĩa là 1 tháng gửi vào chứng chỉ quỹ 1 số tiền nhất định, các công ty quản lỹ quỹ sẽ quản lý khoản đó. Tài sản của quỹ tăng trưởng thì tiền của mình cũng tăng trưởng theo. Nếu một ngày nào đó muốn rút ra thì cứ tới bán đúng số chứng chỉ quỹ đó cho công ty quản lý quỹ. Ví dụ, cách đây 10 năm, giá trị của chứng chỉ quỹ là 10.000 đồng/1 chứng chỉ quỹ. Sau 10 năm, nó tăng trưởng lên 50.000 đồng/1 chứng chỉ quỹ thì mình rút ra với giá trị là 50.000 đồng.
Bà Hạnh cho rằng, mỗi tháng tiết kiệm 1-2 triệu có thể đầu tư vào các kênh sinh lợi dài hạn
Bà Hạnh làm phép tính đầu tư: Nếu 1 tháng mình bỏ bớt uống trà sữa hoặc café thì có thể tiết kiệm được 1-2 triệu đồng/tháng chẳng hạn. Đem bỏ số tiền này đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Với lãi suất trung bình 12%/năm (tính trung bình vì có năm lên, năm xuống) thì trong vòng 1 năm, vốn gốc bỏ ra là 360 triệu đồng thì tiền giá trị đầu tư tăng trưởng thành 1 tỉ đồng.
Bà Hạnh cho rằng, dù đầu tư kênh nào thì cũng cần đặt thời gian và mục tiêu cụ thể hoàn thành. Nên bắt đầu đầu tư từ sớm và nhìn vào dài hạn. Vị Phó Tổng này đưa lời khuyên và tính toán số tiền được hưởng nếu các bạn trẻ đầu tư từ rất sớm: "Nếu năm 20 tuổi, bạn có trong tay 1.000 đô, thay vì ra ngoài mua 1 cái iPhone về lướt web thì hãy đem số tiền đó bỏ vào đầu tư. Với lãi suất tăng trưởng 20%/năm, đến năm bạn 50 tuổi đã có xấp xỉ 90.000 đô và đến năm 80 tuổi có 56 triệu đô".
"Hiện nay, với quỹ trái phiếu mức tăng trưởng trung bình là 11%, quỹ cổ phiếu là 22%", bà Hạnh đưa thông số.
Đầu tư không có gì là đảm bảo, rành về thị trường nào thì nên đầu tư vào lĩnh vực đó
Bà Hạnh nhấn mạnh, đầu tư vào cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ hay các kênh khác thì khi đã đầu tư không có gì là đảm bảo chắc chắn sẽ sinh lợi. Tuy nhiên, khi đầu tư đứng trên góc nhìn "đường dài" thì tăng trưởng bao giờ cũng là đường đi lên.
Phó Tổng VFM đưa lời khuyên, rành thị trường nào thì đầu tư vào lĩnh vực đó. Đồng thời nghĩ xem số tiền nhàn rỗi của mình trong bao lâu, 3 tháng, 3 năm hay 10 năm… để chọn kênh đầu tư phù hợp. Khi đã xác định số tiền nhàn rỗi thì mới nên nghĩ cách tiếp cận thị trường như thế nào. Tùy thuộc vào từng thời điểm của thị trường để chọn phương pháp đầu tư phù hợp.
Tiết kiệm để đầu tư đường dài
"Rủi ro tài chính luôn xảy ra, vấn đề là khả năng chấp nhận rủi ro của NĐT cao hay thấp. Xác xuất rủi ro trong đầu tư có thể xảy ra như mất thu nhập, mất việc làm… thông thường thì các bạn trẻ chấp nhận rủi ro cao, sự chấp nhận này sẽ giảm dần khi tuổi càng lớn", bà Hạnh cho hay và nhấn mạnh: "Khi đầu tư nhìn vào loại tài sản đầu tư, rủi ro luôn kèm theo thu nhập. Thu nhập càng cao thì rủi ro càng lớn".
Bà Hạnh ủng hộ việc NĐT vay ngân hàng để đầu tư. "Nhiều NĐT sợ dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư nhưng nếu không vay bạn lại mất nhiều cơ hội để thử mà đáng lẽ ra chúng ta nên thử ở giai đoạn có cơ hội để thử", bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà Hạnh, đòn bẩy tài chính nghĩa là sử dụng nợ để đầu tư kinh doanh, thu lợi nhuận trên tài sản. Vay để con đường đến thành công hay thất bại phụ thuộc vào cách của mỗi người. Nếu vay thì con đường đi sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên vay để đảm bảo sức mạnh tài chính khi đầu tư chứ không phải đánh cuộc với rủi ro. Khi đã nắm tiền vay thì NĐT phải sinh ra được dòng tiền để đáp ứng được lãi vay mình phải trả hàng tháng và tiếp tục sinh lời trên tài sản đó.
Theo thống kê, với cùng mức thu nhập, người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng chi tiêu nhiều hơn từ 19-35% so với các nhóm tuổi khác. Giới trẻ Việt Nam nổi tiếng là chịu chi mà không biết tiết kiệm; dù sống khá thoải mái nhưng ít nghĩ đến đầu tư. Tỉ lệ đầu tư chứng khoản ở độ tuổi lao động chỉ chiếm 6,3% trong các hạng mục đầu tư. Theo số liệu ở quý 3/2017 Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về chỉ số niềm tin tiêu dùng. Theo các chuyên gia, lạc quan luôn rất tốt nhưng lấy gì để lạc quan?
Trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia tài chính cá nhân Hoài Ân cũng chỉ cách tiết kiệm: Nếu có 10 đồng thì nên chia theo tỉ lệ 50:30:20 nghĩa là dùng 30% sinh hoạt chi tiêu, 20% cho những điều bản thân cảm thấy vui và 50% để tiết kiệm. "Phải đặt vào khuôn khổ, 1 nửa thu nhập dùng để tiết kiệm. Chẳng hạn, muốn mua 1 căn nhà 1.2 tỉ đồng mà không vay ngân hàng thì năm 22 tuổi phải lập kế hoạch tiết kiệm. Mỗi tháng bỏ 4 triệu đồng vào 1 danh mục đầu tư với mức sinh lời của thị trường là 15% thì chỉ cần 35 tuổi sẽ mua được nhà 1.2 tỉ đồng mà không cần vay đồng nào cả", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét: