Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

TỪ BÓNG ĐÁ, SINH NHIỀU CHUYỆN...

(Olympic VN thắng Syria 1-0. Lần đầu tiên trong lịch sử, VN vào bán kết ASIAD. Vui quá, khó ngủ, tui sinh nhiều chuyện🙂)

1. Chuyện đẳng cấp: Trước đây, mỗi lần đội VN thua Thái Lan, các nhà báo và bình luận viên thể thao luôn mồm nói ta thua vì đẳng cấp chênh lệch, vì TL hơn hẳn ta về đẳng cấp. Mọi người thường nói: PHONG ĐỘ LÀ NHẤT THỜI, ĐẲNG CẤP LÀ MÃI MÃI. Tôi kịch liệt phản đối kiểu suy nghĩ bạc nhược, tự ti này.
Tôi nói, ta thua vì phong độ, đấu pháp, vì tinh thần thi đấu, vì mặc cảm tự ti là ta thua kém đẳng cấp, chứ không phải vì đẳng cấp. Và tôi cũng nói: PHONG ĐỘ LÀ HIỆN THỜI, ĐẲNG CẤP LÀ QUÁ KHỨ! Cầu thủ ra sân, hãy tự tin, hãy quyết thắng, hãy nghĩ đến hiện tại (là phải thắng), đừng nghĩ đến quá khứ (ta từng thua)… Bây giờ thì các bạn thấy rồi đó – đẳng cấp chỉ là quá khứ. Ta không nên sống mãi với quá khứ, dù quá khứ ta thắng hay thua!

2. Chuyện hạnh phúc: Các đại gia thành đạt liệu có chắc mình hạnh phúc hơn các cầu thủ Olympic làm nên lịch sử, đặc biệt như đêm qua là Văn Toàn, trước đó là Công Phượng? Nếu kỳ ASIAD này, tuyển VN giành huy chương vàng, những cầu thủ lập công có thể sẽ được cả nước ghi công và nhớ mãi. Tôi tin là họ vô cùng hạnh phúc, và gia đình, người thân của họ cũng vậy!
Tôi luôn nói, thành công không nhất thiết phải đo bằng tiền. Hạnh phúc không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với tài sản ta kiếm được. Thành công là đạt được mục tiêu ta đề ra, bất kể mục tiêu gì. Hạnh phúc là được làm điều mình thích và tìm thấy niềm vui, sự sung sướng trong từng kết quả đạt được.

Tôi cũng từng có lời khuyên quái dị cho bạn trẻ là KHỞI NGHIỆP KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI LẬP DOANH NGHIỆP. Khởi nghiệp là bắt đầu gầy dựng một sự nghiệp, và sự nghiệp đó có thể là văn nghiệp, binh nghiệp, sự nghiệp thể thao, ca nhạc, họa sĩ, luật sư, kỹ sư, làm nhà quản lý hay chuyên gia… Ta đam mê gì, ta có sở trường gì, và thị trường đang cần gì thì ta hãy “khởi nghiệp” bằng thứ đó. Đừng khởi nghiệp vì lời xúi của người khác!
3. Chuyện cầm quân và dùng người: Những bình luận viên, huấn luyện viên, cầu thủ dày dạn của VN cũng không hiểu được và không đoán được cách cầm quân, dùng người, thay người của ông HLV người Hàn Quốc. Chỉ khi ông đưa đội tuyển VN giành chiến thắng thì mọi người mới à, ồ. Ở các tổ chức, cty cũng vậy, nếu ta không hiểu được cách thức điều hành và ra quyết định của CEO, chủ doanh nghiệp, thì cũng đừng vội chê bai, giễu cợt. Suy nghĩ của họ khác ta, ta không ở trong hoàn cảnh và tư duy của họ nên ta không thể hiểu được đâu!
Còn nhiều chuyện nữa có thể rút ra từ bóng đá. Tạm thời chia sẻ 3 chuyện này. Mọi người thấy sao? (Share tự do!)

Đăng bợi:

0 nhận xét: